Wednesday 4 August 2010

"Tìm Kiếm Sự Khôn Ngoan" (?)

  Tối nay Yến Trúc học với nhóm bài đầu tiên của em: Giacơ 1:5-8. Phân đoạn Kinh Thánh này lấy ý tưởng từ quyển tài liệu Ban Điều Hành Thanh Niên muốn Gabriel học. Vì lần đầu chia sẻ nên Trúc có hơi hồi hộp, tuy nhiên vấn đề của bài viết này muốn đề cập đến là mong ước giúp thâu tóm nội dung chính của phân đoạn Kinh Thánh.
  Có thể nói, rất nhiều ý kiến quanh câu hỏi số 1 trong tài liệu: "Sự khôn ngoan, đức tin có liên quan gì đối với niềm vui và thử thách?", câu 2: "Người kém khôn ngoan trong câu 5 là người như thế nào...?" v.v... Đối với riêng cá nhân tôi, các câu hỏi trên là tối ý và khó dẫn dắt người học đến suy nghĩ đúng đắn về nội dung khúc Kinh Thánh. Điều này dẫn đến các suy luận mông lung lỉnh kỉnh...
  Để đem lại một cái nhìn nào đó tốt hơn, rõ ràng hơn về Giacơ trong 1:5-8, tôi xin trích dẫn nguyên văn ý tưởng của bộ Thánh Kinh Chú Giải do Mc Donald biên soạn. Mong rằng sẽ giúp chúng ta bám sát hơn với bài.. Hãy để tài liệu Giacơ sang một bên và bắt đầu với tư tưởng thần học được cắt nghĩa:

  "...Bình an đến bởi thuận phục ý muốn Đức Chúa Trời.
  Một số nan đề trong đời được cất đi khi chúng ta học xong bài học từ chúng. Ngay khi Đấng Tinh Luyện nhìn thấy hình phản chiếu của Ngài trên kim loại đang nóng chảy, Ngài sẽ tắt lửa (có nghĩa là các cơn thử thách - nv). Hầu hết chúng ta thiếu khôn ngoan để nhìn xem những áp lực của cuộc sống từ lập trường của Đức Chúa Trời. Chúng ta có tầm nhìn ngắn, mải mê với những nỗi khó chịu ngay trước mắt. Chúng ta quên mục đích từ tốn của Đức Chúa Trời chính là dùng sức ép để khiến chúng ta lớn mạnh (Thi Thiên 4:1).
 Giacơ 1:5 - Chúng ta không bị ép phải đối diện những nan đề cuộc sống bằng sự khôn ngoan riêng của mình. Nếu, trong lúc thử thách, ví bằng chúng ta thiếu sự thông sáng thuộc linh, chúng ta nên đến với Chúa và thưa trình hết với Ngài những hoàn cảnh khó xử và sự ngu dốt của chúng ta. Tất cả những ai được rèn luyện như vậy để tìm biết ý định của Chúa trong những thủ thách thì đều sẽ được ban thưởng cách rộng rãi. Và họ cũng không phải lo sợ bị Chúa quở trách; Ngài đẹp lòng khi chúng ta chịu học tập và chịu để Ngài hướng dẫn. Hết thảy chúng ta đều thiếu khôn ngoan. Kinh Thánh không trả lời cụ thể cho vô số nan đề xuất hiện trong đời sống. Kinh Thánh không nói nhiều cách giải quyết các nan đề, nhưng Lời Chúa thực sự cho chúng ta những nguyên tắc tổng quát. Chúng ta phải tập áp dụng những nguyên tắc này cho các nan đề khi chúng xuất hiện mỗi ngày. Đó là nguyên nhân khiến chúng ta cần khôn ngoan. Sự khôn ngoan thuộc linh chính là biết áp dụng thực tiễn những Lời của Chúa chúng ta vào tình huống hằng ngày.
 Giacơ 1:6-8 - Chúng ta phải đến gần Đức Chúa Trời bằng đức tin chứ đừng nghi ngờ. Chúng ta phải tin rằng Ngài yêu thương và chăm sóc, không điều gì Ngài không làm được. Nếu nghi ngờ sự nhân lành và quyền năng Ngài, chúng ta sẽ không hề được yên ổn trong lúc hoạn nan. Mới phút trước có thể chúng ta đang yên nghỉ bình tịnh nơi những lời hứa của Chúa, nhưng phút tiếp theo chúng ta đã cảm thấy Chúa quên mất đức nhân từ của Ngài rồi. Chúng ta giống như sóng biển sôi trào, dâng lên rất cao, rồi lại rơi xuống sâu dưới trũng - bị quấy rầy và bị đưa đi đây đi đó. Đức Chúa Trời sẽ không được tôn kính bởi loại đức tin cứ giao động bởi lạc quan và bi quan. Ngài không ban sự sáng suốt thiên thượng cho những người giao động và không ổn định đến như vậy (câu 7, 8). Trong câu 5-8, nguồn sự khôn ngoan là Đức Chúa Trời; nhận được khôn ngoan bởi cầu nguyện; khôn ngoan được dành sẵn cho mọi người, được ban cho cách rộng rãi và không trách móc chi; điều kiện quan trọng là chúng ta phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ..."

(Nguyên văn từ Chú Giải Tân Ước
- William Mc Donald -
- trang 1204 đến 1205)

  Đó là ý kiến từ sách chú giải, mong rằng giúp tóm lược được bài học. Thực tế khi nghiên cứu tài liệu Giacơ, chúng ta cũng không nên quá coi trọng sự dẫn dắt hay câu hỏi của tài liệu được phân phát. Cứ bám sát ý đoạn Kinh Thánh là hơn...
  Nhân tiện giới thiệu đôi chút về quyển "Chú Giải Tân Ước" này. Đây là công trình biên soạn của William Mc Donald - giáo sư, thầy dạy Kinh Thánh. Ông là tác giả của hơn 60 ấn phẩm được xuất bản ở Mỹ. Quyển chú giải Kinh Thánh này được chăm chút gây dựng trong suốt hơn 40 năm tâm huyết. Góp phần với Mc Donald là Art Farstad với chức vụ biên tập. Farstad là nhà văn, nhà truyền đạo, thạc sỹ thần học Cựu Ước, tiến sỹ thần học Tân Ước, đồng thời cũng là biên tập viên điều hành bản dịch Kinh Thánh New King James... Đây là một pho sách rất có giá trị, đáng quý và nên có trên kệ của những người thường xuyên nghiên cứu Kinh Thánh - một sự trợ giúp đắc lực trong việc học hiểu Lời Chúa cá nhân...
  Thật vui vì có những thành viên nhóm muốn nghiên cứu kỹ Lời Chúa, đến nỗi không bằng lòng nếu lẽ thật còn chưa được mổ xẻ đến nơi đến chốn.

No comments:

Post a Comment

Chú Ý: Chỉ có thành viên Blog mới được quyền Comment, bạn cần đăng ký trước đã. Comment sau khi đã post thì không chỉnh sửa được, do đó nếu có sai sót hoặc chứa nội dung không tốt, Admin chỉ có thể xóa bỏ hoàn toàn. Cẩn thận nhé bạn.

Note: only a member of this blog may post a comment.